Khi nhắc đến việc học tiếng anh, có thể các bạn đã quá quen thuộc với việc học theo cách truyền thống là học thuộc từ vựng và cấu trúc ngữ pháp để sau đó có thể áp dụng vào việc làm bài tập tiếng anh ở các kĩ năng khác nhau (nghe, nói, đọc và viết). Tuy nhiên, cách học này thường không mang lại hiệu quả cao do quá trình học nhàm chán và khá khô khan. Và đây không phải là cách tiếp cận duy nhất cho việc cải thiện tiếng anh.
Trong bài viết lần này, mình sẽ giới thiệu đến các bạn một phương pháp cải thiện tiếng anh hiệu quả hơn nhưng lại không mang cảm giác nhàm chán như khi áp dụng như phương pháp học truyền thống. Nghe tiếng anh thụ dộng sẽ bao gồm việc áp dụng những hoạt động giải trí mà có thể các bạn đã và đang thực hiện trong cuộc sống thường ngày như coi phim, xem video trên youtube,… để cải thiện và nâng cao độ hiệu quả của việc học tiếng anh.
Tuy nhiên, trước khi tiến đến việc áp dụng phương pháp này, các bạn cần nắm được nguyên lý hoạt động của phương pháp để có thể áp dụng chính xác cũng như tối đa hóa hiệu quả của phương pháp này.
Bài viết này sẽ đưa các bạn đi qua những nội dung chính sau:
- Nền tảng của phương pháp nghe tiếng anh thụ dộng, bao gồm:
+ Giả thiết thụ đắc trực tiếp – học gián tiếp
+ Giả thiết Đầu vào
- Áp dụng phương pháp nghe tiếng anh thụ dộng vào đời sống thường ngày
Phương pháp nghe tiếng anh thụ dộng được xây dựng dựa trên 2 giả thiết nằm trong “Lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ” của giáo sư Stephen D. Krashen. Để có thể áp dụng một cách chính xác phương pháp học vào đời sống thường ngày, trước tiên các bạn cần nắm được những nguyên lý nền tảng của phương pháp này.
1. Nền tảng phương pháp nghe tiếng anh thụ dộng
1.1. Giả thiết thụ đắc trực tiếp – học gián tiếp (Acquisition – Learning Hypothesis)
“Giả thiết thụ đắc trực tiếp – học gián tiếp” là 1 trong 6 giả thiết cơ bản cấu thành nên “Lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ” được Giáo sư danh dự của trường Đại học South California là ông Stephen D. Krashen công bố vào những năm 1970.
Lý thuyết “Thụ đắc ngôn ngữ” nói chung, hay giả thiết “Thụ đắc trực tiếp – học gián tiếp” nói riêng, được áp dụng cho bất kì ngoại ngữ nào mà các bạn theo học, miễn nó không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
a. Thụ đắc trực tiếp – học gián tiếp
Giả thiết này của ông cho biết có 2 loại hoạt động học ngoại ngữ hoàn toàn khác nhau là “Thụ đắc/ học trực tiếp” và “Học gián tiếp”.
Hoạt động thụ đắc/ học trực tiếp diễn ra tương tự như cách mà trẻ con học tiếng mẹ đẻ của chúng. Các bạn sẽ được tiếp xúc trực tiếp với ngoại ngữ mà họ đang theo học thông qua nghe và bắt chước lại để giao tiếp, từ đó hình thành năng lực ngôn ngữ một cách tiềm thức.
Học gián tiếp thì ngược lại. Đây là một hoạt động có ý thức, diễn ra khi các bạn học một cách có chủ đích các kiến thức về ngoại ngữ như danh sách từ vựng, quy tắc văn phạm, được giáo viên sửa lỗi sai, …
b. Các kĩ năng Input và Output
Ngoài ra, thuyết này còn cho biết, 4 kĩ năng nghe, nói, đọc và viết mà các bạn được tiếp cận trong quá trình học ngoại ngữ sẽ được chia làm 2 nhóm:
- Kĩ năng nhập dữ liệu (Input): Nghe và đọc
- Kĩ năng xuất dữ liệu (Output): Nói và viết
Trong đó, những kĩ năng Input sẽ làm tiền đề để phát triển những kĩ năng Output. Vì vậy, để quá trình học ngoại ngữ được diễn ra một cách tự nhiên và dễ dàng, các bạn cần bắt đầu với những kĩ năng Input, sau đó tiến dần sang học các kĩ năng Output.
Điều này có nghĩa rằng, nếu các bạn chăm chỉ rèn luyện tốt 2 kĩ năng nghe và đọc, việc phát triển 2 kĩ năng nói và viết trong tương lai sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu các bạn bắt đầu học ngoại ngữ thông qua 2 kĩ năng nói và viết, họ sẽ cảm thấy việc học ngoại ngữ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
c. Kết luận
Từ giả thiết trên của Krashen, có thể kết luận được rằng, để việc học ngoại ngữ nói chung, hay tiếng anh nói riêng được diễn ra một cách hiệu quả, các bạn cần ưu tiên học trước 2 kĩ năng Input là nghe và đọc. Hơn thế nữa, họ cũng cần dành 80% thời gian học ngoại ngữ chủ yếu cho việc hấp thụ tiếng Anh trực tiếp thông qua:
- Nghe và đọc tiếng Anh đều đặn
- Nghe và đọc những gì thực tế và có thể áp dụng được vào đời sống
- Sử dụng tiếng Anh như một công cụ để giao tiếp, chứ không như một môn học mà để giỏi thì cần học thật nhiều lý thuyết
Tuy nhiên, nếu chỉ tăng cường hiệu quả học ngoại ngữ thông qua sự kết hợp giữa việc lựa chọn đúng kĩ năng để học và cách thức học vẫn chưa đủ. Vì nếu như các bạn lựa chọn tài liệu học tập quá khó hoặc quá dễ, tiến trình học ngoại ngữ của họ sẽ vẫn tiến bộ nhưng với mức độ hiệu quả không cao hoặc đôi lúc trong vài trường hợp, phản tác dụng và không mang lại bất kì sự tiến bộ nào.
Vậy các bạn sẽ phải dựa vào đâu để biết rằng một tài liệu học tập là thích hợp hay không thích hợp với trình độ hiện tại của bản thân?
1.2. Giả thiết Đầu vào (Input Hypothesis)
Đây cũng là 1 trong 6 giả thiết cấu thành nên “Lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ” của Stephen D. Krashen. Mục đích ra đời của thuyết này là để hướng các bạn lựa chọn được chính xác tài liệu nghe tiếng anh thụ dộng mà thích hợp nhất với trình độ hiện tại của họ. Từ đó gia tăng đáng kể hiệu quả của quá trình học ngoại ngữ khi được kết hợp với giả thiết “Thụ đắc trực tiếp – học gián tiếp”.
Giả thiết đầu vào của Krashen cho rằng, các bạn ngoại ngữ tích lũy ngôn ngữ thành công (hay gia tăng một bậc trình độ ngoại ngữ) khi họ hiểu được nội dung có trình độ khó hơn một bậc so với trình độ hiện tại của bản thân. Cụ thế, nếu các bạn đang ở trình độ “a”, thì sau một thời gian rèn luyện, tiếp thu những thông tin ở mức “a+1”, người họ sẽ nâng cao trình độ lên mức “a+1”.
Vậy nên, cách tốt nhất để tăng trình độ là xem, nghe và đọc thật nhiều nội dung bản ngữ và tập trung hiểu nghĩa của chúng. Khi thực hiện đủ nhiều, các bạn sẽ tự động được tích lũy ngôn ngữ thông qua hoạt động thụ đắc trực tiếp và đến một thời điểm nhất định, họ sẽ nâng cao trình độ lên mức “a+1”.
Ngoài ra, tài liệu hoặc nội dung nghe tiếng anh thụ dộng cũng phải thõa mãn được 3 yếu tố:
- Có thể hiểu được (Comprehensible): đây là đặc điểm cơ bản và quan trọng nhất, vì nếu không hiểu được nội dung thì đối với các bạn, những đoạn hội thoại sẽ chỉ là tiếng ồn và các đoạn văn thì chỉ là những ký tự vô nghĩa. Các bạn sẽ thất bại trong việc thụ đắc trực tiếp dù cho có nghe hoặc đọc nhiều như thế nào. Vậy nên, người đọc cần tuân theo tỉ lệ 8:2 mà Krashen đã đưa ra. Điều này có nghĩa, khi lựa chọn tài liệu học tập, các bạn cần lựa chọn những tài liệu mà họ có thể nghe, đọc và hiểu được khoảng 80%. 20% còn lại sẽ được các bạn thụ đắc trực tiếp trong quá trình học tập
Ví dụ: nếu lựa chọn cách thụ đắc trực tiếp qua xem phim hoặc nghe nhạc, các bạn cần lựa chọn những bộ phim hoặc bài hát mà họ hiểu được nội dung các câu hội thoại, lời bài hát khoảng 80%
- Lượng đủ lớn (Massive): đây là đặc điểm quan trọng tiếp theo. Để quá trình tiếp xúc trực tiếp với ngoại ngữ mang lại hiệu quả, quá trình tích lũy tự nhiên phải diễn ra đủ lâu và đủ nhiều.
Đủ nhiều ở đây ý chỉ tài liệu, nội dung học tập phải đủ nhiều và việc tiếp xúc phải diễn ra lặp đi lặp lại. Cường độ lặp lại giữa các buổi phải đảm bảo tính liên tục.
Đủ lâu ý chỉ hoạt động phải diễn ra liên tục đều đặn từ ngày này sang ngày khác, trong 1 khoảng thời gian dài.
Ví dụ: nếu lựa chọn thụ đắc trực tiếp qua xem phim, các bạn cần xem ít nhất 3 đến 4 bộ phim mỗi tuần, lặp đi lặp lại từ tuần này qua tuần khác, liên tục trong 1 thời gian dài.
- Gây hứng thú (Compelling): các bạn nên lựa chọn nội dung có tính hấp dẫn và lôi cuốn đối với bản thân. Vì khi đó, các bạn sẽ tập trung chủ yếu vào việc hiểu được ý nghĩa mà tài liệu truyền tải hơn là cố gắng tiếp thu những đặc điểm văn phạm hoặc ngữ pháp. Nội dung lý tưởng là nội dung khiến các bạn hoàn toàn tập trung vào việc hiểu ý nghĩa mà quên mất là mình đang nghe hoặc đọc tiếng nước ngoài.
Ví dụ: nếu lựa chọn thụ đắc trực tiếp qua đọc sách, các bạn cần lựa những thể loại sách tạo ra sự lôi cuốn mạch mẽ với bản thân như sách trinh thám, tiểu thuyết, truyện dài,… Bất kì thể loại sách nào mà khiến các bạn khi đọc sẽ đắm chìm vào thế giới của cuốn sách và tập trung tối đa vào việc hiểu nghĩa mà quên mất là họ đang đọc một cuốn sách với ngôn ngữ nước ngoài.